bước chuyển mình của tà áo dài Việt Nam, từ mộc mạc giản dị cho đến hiện đại trẻ trung

Từ trước đến nay, chiếc áo dài vẫn luôn là quốc phục và là nét văn hóa của Việt Nam, trải qua biết bao thời kỳ, nó dường như đã trở thành biểu tượng không thể tách rời với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiều diễm. Ở mỗi thời kỳ, áo dài lại chuyển mình với những thay đổi mang lại nét đặc trưng của riêng nó. Để rồi đến ngày hôm nay, nó cũng đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Một khi bạn đã hiểu rõ về lịch sử của áo dài, tôi tin rằng chúng ta và đặc biệt là các chị em sẽ càng thêm yêu mến và trân trọng tà áo dân tộc này.

Áo giao lĩnh năm 1744

Cho đến ngày hôm nay, chưa có một tài liệu hay một sự nghiên cứu nào có thể nói rõ được chính xác thời điểm xuất hiện đầu tiên của áo dài. Người ta chỉ biết rằng áo dài bắt nguồn từ áo giao lĩnh của thời nhà Nguyễn vào năm 1744. Áo giao lĩnh được xem là kiểu dáng bắt nguồn đơn giản nhất của áo dài. Chiếc áo này còn có tên gọi khác là áo đối lĩnh, kiểu dáng của áo khá rộng với đường xẻ 2 bên hông cùng với tà áo dài đến gót chân và phần ống tay rộng. 4 tấm vải sẽ được may thành thân áo, khi mặc sẽ bắt chéo phần cổ áo và được cố định ở phần eo bằng một chiếc khăn màu. Sao đó người ta mặc cùng với một chiếc chân váy màu đen ở ngoài.

Áo giao lĩnh vào khoảng năm 1744

Vào thời gian khoảng chừng năm 1744 là lúc Nguyễn Phúc Khoát đang làm vua và cai trị ở vùng đất phía Nam. Còn chúa Trịnh thì cai trị ở vùng đất phía Bắc. Để phân biệt giữa hai vùng miền, vua Nguyễn Phúc Khoát đã ra lệnh cho người hầu của mình bận áo lụa bên ngoài và quần dài bên trong. Từ đó áo giao lĩnh được xem là nguồn gốc của của áo dài Việt Nam ngày nay.

Áo tứ thân ở thế kỷ XVII

Theo như những gì còn tồn tại ở bảo tàng thì sau này áo giao lĩnh được tách ra thành 2 tà đằng trước và buộc lại với nhau để tiện trong việc làm lụng và sản xuất cũng như sinh hoạt thường ngày. Đối với áo dài tứ thân thì 2 tà đằng trước được buộc lại với nhau, còn 2 tà sau được may liền thành vạt áo dài. Áo tứ thân được may với màu sắc tối, thường là màu nâu hoặc xám, giống như sự khiêm tốn và mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Áo dài ngũ thân ở thế kỷ XIX

Áo ngũ thân hay còn gọi là áo lập lĩnh ra đời sau cải cách của vua Nguyễn Phúc Khoát. Đối với nam nhân, cổ áo được may cao, dạng đứng và vuông thể hiện cho sự chính trực, liêm khiết của chính nhân quân tử. 5 nút của áo được làm từ các chất liệu khác nhau như gỗ, ngọc tượng trưng cho ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. 5 ý nghĩa này xuất phát từ quan điểm của nho giáo.

Đặc biệt hơn, 5 tà của áo ngũ thân cũng chứa hàm nghĩa vô cùng sâu sắc. Áo gồm có 4 vạt áo chính, 4 vạt áo ấy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, còn vạt áo còn lại là tượng trưng cho người mặc. Càng đi xuống thì tà áo càng xòe ra, có kiểu dáng rộng, không bó chặt vào thân. Loại áo ngũ thân này được thịnh hành cho đến thế kỉ XX.

Loại áo ngũ thân này còn dùng để phân biệt giai cấp ở thời phong kiến xưa. Đối với giai cấp quan lại, chủ sẽ mặc áo ngũ thân, còn người hầu sẽ mặc áo tứ thân.

Áo dài Lemur thế kỷ XX

Vào khoảng những năm 1930 có một họa sĩ người Pháp gốc Việt tên là Lê Mur Nguyễn Cát Tường, ông là người đã cải tạo áo ngũ thân thành áo dài Việt Nam. Với quan niệm quần áo mặc dù dùng để che thân nhưng cũng phải xét tới khí hậu của nước ta, ngoài ra còn là tấm gương phản chiếu nhân trí của đất nước. Vả lại trang phục còn phải mang lại tính giản dị và gọn gàng. Là phụ nữ Việt Nam phải có một vẻ riêng biệt để không bị nhận nhầm với người phụ nữ nước ngoài như Pháp, Nhật Bản,… Thế là hình hài của áo dài ngày nay bắt đầu ra đời với kiểu dáng chỉ có hai vạt là vạt trước và vạt sau, thêm nữa là dài chấm đất. Áo được may để ôm sát cơ thể, tay áo được may thẳng và có viền, khuy áo được mở bên sườn nhằm tạo điểm nhấn đặc biệt. Thế nhưng đến năm 1943, áo dài Lemur dần trôi vào quên lãng.


Áo dài Lê Phổ

Cho đến sau này, áo dài Lemur được họa sĩ Lê Phổ cải biên lại cho ra đời một diện mạo áo dài mới. Vì loại áo dài này được họa sĩ Lê Phổ phối lại nên mọi người gọi đây là áo dài Lê Phổ. Vẫn giữ nguyên đường may ôm sát cơ thể, vạt áo dài, rồi phối thêm tay áo dài nhưng không phồng mà thẳng, có nút ở phía bên phải áo, cổ kín. Áo dài sau khi được họa sĩ Lê Phổ phối lại mang đến sự tinh tế và gợi cảm, vừa thể hiện được sự kín đáo nhưng lại phô diễn những đường cong tuyệt đẹp của cơ thể người phụ nữ. Áo dài Lê Phổ được mặc cùng với quần ống loe màu trắng. Sau này áo dài Lê Phổ được xem là “vật tổ” của tà áo dài hiện nay. Thế nhưng vào thời kỳ đó, loại áo sau khi được cải biên vẫn bị cho phản cảm và chưa thực sự được chấp nhận.

Áo dài Raglan

Loại áo dài này còn được gọi là áo dài ráp-lăng do nhà máy Dung ở Đakao Sài Gòn sáng tạo vào năm 1960. Áo được may sao cho ôm khít cơ thể hơn, cổ áo được kéo dài xuống vùng cánh tay chéo một góc 45 độ với hàng nút gài ở bên hông giúp cho người mặc có thể gài áo dài một cách linh hoạt và dễ dàng hơn. Cổ áo được may to và dày, phần hông được thiết kế một sợi thun mỏng nhỏ để siết eo, đem lại cảm giác eo thon gọn hơn.

Áo dài Việt Nam từ 1970 đến thời điểm hiện tại

Áo dài Việt Nam hiện nay được biến đối với nhiều kiểu dáng cũng như có nhiều loại cổ áo như cổ thuyền, cổ đứng, cổ tim,… Vì là trang phục truyền thống nên áo dài được sử dụng trong nhiều trường hợp như lễ tết, lễ hội, tiệc tùng và được cải tiến thành áo dài cưới, áo dài cách tân. Áo dài nhìn tuy đơn giản nhưng chứa đựng trong nó nhiều ý nghĩa, thể hiện cho sự thuần khiết, là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, tà áo dài Việt Nam cũng được cách tân lại với kiểu dáng đa dạng mang lại sự hiện đại và trẻ trung. Người ta không những cách tân lại phần tà áo mà cũng thay đổi cổ áo để người mặc cảm thấy thoáng mát ở cánh tay hơn. Có khi còn phối áo dài với quần đen hoặc quần đậm màu để đem lại điểm nhấn cho người mặc. Nói chung áo dài hiện nay đã có nhiều sự đa dạng hơn để phụ nữ có thêm nhiều sự chọn lựa.

Có một điều đặc biệt là áo dài Việt Nam không đơn thuần chỉ dành cho nữ nhân mà nam nhân cũng có thể mặc áo dài trong các hoàn cảnh như đám cưới, trẩy hội, lễ tết,… Với sự đa dạng và độc đáo của áo dài, người ta có thể linh hoạt thay đổi trong các môi trường khác nhau, thậm chí là đi dạo phố cũng có thể mặc áo dài.

Với sự sang trọng mà lại thanh tao của áo dài Việt Nam, không biết loại trang phục truyền thống này đã xuất hiện trong bao nhiêu tác phẩm văn học Việt Nam cùng với những tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều ca ngợi và tôn vinh hình ảnh tà áo dài thướt tha cùng với vẻ đẹp của người phụ nữ khoác lên mình chiếc áo ấy.

Tóm lại, dù đã trải qua biết bao nhiêu thời kỳ cùng với sự đổi thay nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi giai đoạn cải biên của nó đều khiến chúng ta cảm thấy tự hào về trang phục truyền thống của Việt Nam.

Viết một bình luận