“Bốn Mùa Thay Lá” – Nơi để ta dừng lại và lắng nghe thời gian trôi qua như gió như mây

Cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ lớn trong nền âm nhạc Việt. Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 1939 – 1 tháng 4 năm 2001), sau lần bệnh nặng thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế, khi ông mới 17 tuổi, cơ duyên đưa đẩy đã để Trịnh Công Sơn theo con đường nhạc sĩ, mà theo chia sẻ của ông là “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”. Để rồi cả con đường nghệ thuật của mình, người nhạc sĩ họ Trịnh ấy lý giả rằng “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc).Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Trịnh Công Sơn chủ yêu viết tình yêu và thân phận con người với các sáng tác nổi tiếng như: Diễm xưa, Biển nhớ, Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ, Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bên cạnh đó, Trịnh Công Sơn vẫn sáng tác một số ca khúc về nhân sinh chuyện đời, mà trong đó nhạc khúc “Bốn mùa thay lá” là một minh chứng cụ thể nhất. Bốn mùa thay lá hay có tên tiếng anh là “Four seasons of change”, đây là một sáng tác của Trịnh Công Sơn mà không thiên về nhạc tình, cũng không viết về thân phận con người, ở “Bốn mùa thay lá” ta như cảm nhận được quy luật của tự nhiên, những điều mà ta những tưởng là bình thường nay lại hóa nét nhạc mang nét thơ trong từ lời từ của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh ấy.

Bốn mùa như gió

Bốn mùa như mây

Những dòng sông nối đôi tay

liền với biển khơi

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Mở đầu bài hát là hai câu thơ so sánh “bốn mùa như gió/ bốn mùa như mây”, bốn mùa là một câu nói đại diện ám chỉ cho thời gian một năm, trong cảm nhận người nhạc sĩ, một năm trôi nhanh qua như cơn gió thoảng qua, như đám mây bay ngang. Thời gian đưa thôi như gió như mây và những dòng sông mà từng tưởng rằng là đơn lẻ và độc lập, nhưng dưới ánh nhìn của Trịnh Công Sơn “những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi”. Trăm con sông kia cũng đoàn kết và nối tay nhau cùng hướng về một nơi biển khơi.

Đêm chờ ánh sáng

Mưa đòi cơn nắng

Mặt trời lấp lánh trên cao

Vừa xa vừa gần

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Vũ Khanh trình bày.

Ta luôn nghĩ rằng hết đêm rồi sẽ đến ngày nhưng Trịnh Công Sơn lại nhìn với một cái nhìn khác, đêm đến chẳng qua chỉ là chờ ánh sáng. Là đêm chờ ánh sáng, một chữ “chờ” nhưng lại thay đổi cả nghĩa câu nói. Trong lời ca của ông, ta thấy sao mà vạn vật dung hòa và nhân tính đến lạ. Đêm kia đang chờ ánh sáng cũng như mưa kia đang đợi cơn nắng nên mới khóc nhè làm mưa sao? Là hư lại là thực, hư hư mà thật thật, tất cả đã tạo nên một nét rất riêng chỉ có ở Trịnh Công Sơn. Để rồi trong cảnh đêm qua, khi mưa tan và ánh sáng về ta lại thấy “mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần”. Mặt kia xa hay gần cũng là do ta cảm nhận, vì vốn dĩ, mặt trời cũng chỉ ở đó, chỉ một chỗ mà thôi. Ta thấy mặt trời xa thì là xa, nhưng nếu ta thấy gần thì cũng thật là gần.

Con sông là thuyền

Mây xa là buồm

Từng giọt sương thu hết mênh mông

Những giọt mưa

Những nụ hoa

Hẹn hò gặp nhau trước sân nhà

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Ngọc trình bày.

Và nơi mênh mông của đại dương, khi con sông là thuyền và mây trôi xa như cánh buồm, cảnh biển và trời như gắn kết và nối liền nhau trong một hình ảnh con thuyền buồm. Trí tưởng tượng ấy bay ca và vượt qua mọi khuôn khổ, lời ca ấy như thoát khỏi khuôn nhạc mà vẽ nên cảnh biển và trời bao la mênh mông. Và “từng giọt sương thu hết mênh mông” đó để đúc kết lại trong những giọt mưa và cùng những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà. Cảnh mưa trên sân nhà, hạt mưa rơi trên những nụ hoa, nhưng sao qua lời từ của Trịnh Công Sơn, cảnh mưa ấy như một cuộc hẹn hò của hạt mưa và nụ hoa, những hạt mưa đúc kết từ từng giọt sương nơi mênh mông biển cả sáng nay rơi trước hiên nhà, mưa rơi trên nụ hoa. Là cảnh bao la hùng vĩ và mênh mông của sông nước mây trời và cảnh bì dị của cơn mưa trước hiên, tất cả như được xâu chuỗi lại theo một quy luật tuần tự của thiên nhiên, nơi vạn vật đều gắn kết với nhau.

Không hẹn mà đến

Không chờ mà đi

Bốn mùa thay lá

Thay hoa thay mãi đời ta

Thời gian không hề hẹn khi đến cũng không chờ mà đi nhưng cứ thế xoay vòng “bốn mùa thay lá/ Thay hoa thay mãi đời ta”. Bốn mùa của hoa thay lá là mùa xuân của lá đâm chồi nảy lộc, là mùa hạ của tán lá xanh um sau xuân và mùa thu của lá vàng rụng rơi, rồi lại đông là mùa của ấp ủ nhựa sống và nụ mầm bên trong để đến xuân về, nụ mầm ấy lại đâm chồi và nảy lộc, tất cả tuần hoàn. Và tất cả không hẹn mà cũng chẳng chờ nhau, cứ đến rồi đi thay lá và thay hoa thay mãi cả cuộc đời ta.

Bên trời xanh mãi

Những nụ mầm mới

Để lại trong cõi thiên thu

Hình dáng nụ cười

Và “bên trời” mãi xanh một màu xanh của những nụ mầm mới. Nụ mầm cứ sinh ra và lớn lên để làm đời mãi xanh để lại trong cõi thiên thu mãi mãi là hình ảnh tươi đẹp nhất “hình dáng nụ cười”. Nụ cười và nụ mầm, như nói về hoa mà cũng như nói về người, tất cả nhân sinh tuần hoàn trong câu ca của ông sao quá đỗi nhẹ nhàng mà bay bổng.

“Bốn mùa thay lá” như một nhạc khúc về nhân sinh thường tình, mà ở đó tài hoa và trí tưởng tượng của Trịnh Công Sơn đã vượt ngoài những khuông nhạc, mang người nghe lạc vào vòng tuần hoàn của tạo hóa và thời gian xoay vòng. Không có điểm cuối cũng chẳng có bắt đầu, tất cả đều công bằng mà vận hành một chu trình mới xuyên suốt cả đời ta. Lắng nghe “bốn mùa thay lá” là lắng nghe nơi thời gian trôi qua như gió như mây, là chiêm ngưỡng những cảnh đẹp mênh mông của biển cả và mây trời khi hợp nhất thành con thuyền với cánh buồm trôi dạt, là chứng kiến vẻ đẹp của nụ hoa hẹn hò cùng hạt mưa nơi sân nhà. Là bao la hùng vĩ và cận kề gần gũi, tất cả như xa mà như gần đều lắng đọng lại trong những lời ca mộc mạc và giai điệu nhẹ nhàng của “Bốn mùa thay lá”.

Lời bài hát Bốn Mùa Thay Lá – Trịnh Công Sơn

Bốn mùa như gió
Bốn mùa như mây
Những dòng sông nối đôi tay
liền với biển khơi

Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao
Vừa xa vừa gần

Con sông là thuyền
Mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông
Những giọt mưa
Những nụ hoa
Hẹn hò gặp nhau trước sân nhà

Không hẹn mà đến
Không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá
Thay hoa thay mãi đời ta

Bên trời xanh mãi
Những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu
Hình dáng nụ cười

Viết một bình luận