Bồi hồi trước những bức ảnh gợi nhớ về một thời Sài Gòn đã xa

Ở cuộc sống hiện đại, Sài Gòn trong mỗi chúng ta lúc nào cũng nhộn nhịp và hối hả, sức sống tiềm tàng với những khía cạnh chẳng bao giờ yên tĩnh. Đã bao giờ, bạn thử nhắm mắt lại rồi hòa mình trong dòng người vội vã ấy từ muôn nẻo đường phố đổ về; hay tản bộ trên những con phố đông đúc người qua lại cảm nhận nhịp sống sôi động để hoài niệm về một thời phồn hoa nhưng vẫn yên tĩnh của Sài Gòn.

Đường Khổng Tử, sau năm 1975 thì đoạn đường này đổi tên là đường Hải Thượng Lãn Ông. Phía xa bên phải là ngã tư Khổng Tử – Phùng Hưng (theo như bản đồ Chợ Lớn ngày xưa thì đường Phùng Hưng còn có tên là đường Rue de Paris, nằm ngay trung tâm ban đầu của Chợ Lớn, nơi có rạp hát Théâtre Chinois – có lẽ cũng là rạp hát đầu tiên của Chợ Lớn).

Khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn – Đây là vườn thú lâu đời đứng hàng thứ tám trên thế giới. Khuôn viên rộng lớn này hiện tọa lạc gần hạ lưu kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với hai cổng nằm đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai).

Đường Rue Le-Loi (d’Espagne), sau năm 1975 thì được đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn – Trong ảnh là phía cửa Bắc Chợ Sài Gòn, đã từng có một thời gian, đoạn đường này lấy tên là đường Lê Lợi và ghi trên postcard.

Vườn hoa trước nhà thờ Đức Bà – Ban đầu, giữa vườn hoa có đặt tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc hoặc Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) nắm tay dẫn Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long). Nhưng sau năm 1945 thì bức tượng đã bị chính quyền phá bỏ, mãi đến năm 1959 thì mới được thay bằng Tượng Đức Mẹ Hòa bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý.

Bồn phun nước ở vòng xoay Lê Lợi – Nguyễn Huệ, hay còn gọi là Công trường Lam Sơn. Dưới thời Pháp thuộc, phần đất phía trước nhà hát có tên là Place Francis Garnier, cộng với khoảng trống phía sau nhà hát có tên là Place Augustin Foray (năm 1935). Đến năm 1955, công trường được đổi tên thành Công trường Lam Sơn cùng với đại lộ Bonard cũng được đổi thành đại lộ Lê Lợi.

Tòa Đô Chánh Sài Gòn (dưới thời Việt Nam Cộng hòa) – Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, dưới thời Pháp thuộc thì được gọi là Dinh xã Tây, là nơi hội họp và làm việc của chính quyền thủ đô. Tòa nhà nằm trên đường Lê Thánh Tôn, ngay đầu đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn; hiện nay, đây trở thành nơi làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố và một số cơ quan khác.

Chợ sách trên đoạn ngã tư đường Lê Lợi và Công Lý

Đường Nguyễn Trung Trực

Nhà thờ Anh giáo Église Reformée ở Sài Gòn, nằm đối diện với tòa Đại sứ quán Anh trên đại lộ Thống Nhất (sau này là đường Lê Duẩn) – sát bên góc ngã tư Thống Nhất và Mạc Đĩnh Chi.

Đại sứ quán Anh tại Sài Gòn nằm trên đại lộ Thống Nhất (đến năm 1986, đại lộ này được chính quyền TP HCM đổi thành đường Lê Duẩn) – Mặt tiền của tòa nhà được trang trí bằng gạch Mosaique màu xanh nước biển lợt rất trang nhã, đối diện với tòa đại sứ là ngôi nhà thờ Église Reformée. Bên trái hình chỗ cây cột đèn kế trụ cờ của Tòa Đại Sứ trước mũi xe đòn đám ma là Rạp Norodom (Thống Nhất), nhưng đến năm 1978 thì trở thành Trụ sở của công ty Xổ sổ kiến thiết, chuyên quay xổ số “Kiến Thiết Quốc Gia giúp đồng bào ta mua lấy số nhà giàu sang mấy hồi”.

Tượng voi bằng đồng do vua Thái Lan tặng Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1930

Đường Trương Minh Giảng – Phía trước chợ Trương Minh Giảng và Viện Đại học Vạn Hạnh

Những người đàn ông ăn mặc lịch sự đứng cạnh cổng Nhà thờ Đức Bà, chuẩn bị tiến vào làm lễ

Người phụ nữ trong tà áo dài thướt tha và duyên dáng, đang cầm ô đi bên lề đường đất

Cầu bắc ngang qua rạch Thị Nghè trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Đền Kỷ Niệm – Được xây dựng năm 1926, cạnh cổng chính trong khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đối diện với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất. Sau năm 1954, đền được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương và đến năm 1975 thì đổi tên thành Đền Hùng Vương.

Vòng xoay đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ của những năm 1950. Tòa nhà chính giữa khung hình là Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC), được xây dựng dưới thời Pháp thuộc năm 1914. Sang thời Việt Nam Cộng hòa, Đại lộ Bonnard thay tên là đại lộ Lê Lợi và Đại lộ Charner biến thành đại lộ Nguyễn Huệ còn Grands Magasins Charner mãi tới năm 1960 mới chính thức sang tên là Thương xá TAX.

Ki ốt đồ bạc năm 1950 nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ.

Những người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài thướt tha, đang đứng trước Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1956

Những quan chức chính quyền đang “cung kính” trao cho Tổng thống Ngô Đình Diệm những tài liệu năm 1956

Bộ tứ Cổng Vàng Hoa Kỳ nổi tiếng ở Sài Gòn giao lưu văn hóa năm 1958 – Trong hình là rạp chiếu phim ALHAMBRA, nơi đây sau này là rạp Lê Ngọc năm ở gần góc đường Nguyễn Cư Trinh và đường Trần Hưng Đạo

Đường Hai Bà Trưng năm 1962 – Tòa nhà trong hình là Công ty Điện Lực Sài Gòn năm trên trên đường Hai Bà Trưng khi nhìn từ khách sạn Caravelle.

Tượng Hai Bà Trưng ở Công trường Mê Linh, gần Bến Bạch Đằng năm 1962

Tượng Hai Bà Trưng năm 1963 – Tượng này được chính phủ Ngô Đình Diệm khánh thành vào tháng 3 năm 1962 ở công trường Mê Linh, người dân Sài Gòn quen gọi là tượng Hai Bà. Tượng được giới điêu khắc đánh giá là đẹp và nét điêu khắc đặc sắc và mới mẻ. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nhiều người dân Sài Gòn thấy tượng có nét phảng phất giống hai mẹ con bà Trần Lệ Xuân. Do đó, sau cuộc đảo chính năm 1963, một số người đã tập trung ở công trường và giật đổ tượng Hai Bà với mong muốn xóa bỏ dấu tích.

Sau khi tượng Hai Bà Trưng bị giật đổ thì từ năm 1963 đến năm 1967, bệ voi vẫn nằm ở công trường nhưng không có tượng. Đến năm 1967, tượng Trần Hưng Đạo mới được thiết kế và dựng nên, đặt ngay trên trụ ba chân.

Đài tưởng niệm Thủy quân lục chiến Việt Nam năm 1966

Cổng vào Căn cứ Tân Sơn Nhất, ngay đầu đường Cộng Hòa

Đường Hồng Thập Tự năm 1967 – Đây được coi là một trong những con đường hoa lệ bậc nhất Sài Gòn xưa. Dưới thời Pháp thuộc, đoạn đường này có tên là đường Stratégique, đến năm 1865 thì đổi tên thành Chasseloup Laubat, còn từ năm 1955 đến năm 1975 thì lấy tên là Hồng Thập Tự. Sau năm 1975, chính quyền đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai.

Di tích Lực lượng Vũ trang Việt Nam tại tỉnh Định Tường năm 1967.

Đường Tự Do năm 1968 (sau năm 1975 thì đổi tên thành đường Đồng Khởi, trước đó dưới thời Pháp thì có tên là đường Rue Catinat) – Phía trước là ngã ba đường Hồ Huấn Nghiệp và Tự Do, bên phải thân cây (sau lưng hai cô gái) là Khách sạn Catinat.

Tết Trung Thu năm 1969 được tổ chức tại Công viên Tao Đàn – Trên khán đài duyệt binh là những quan chức chính quyền, hàng ghế đầu tiên theo thứ tự từ trái sang: Chủ tịch Hạ Nghị viên Nguyễn Bá Lương, vợ chồng Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Thượng Nghị viện Nguyễn Văn Huyền Bà TTK và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.

Cũng trong dịp Tết Trung Thu năm 1969 – Hai thiếu niên đang biểu diển Vovinam, môn võ tự vệ tay không của Việt Nam, trước dàn quan chức.

Một đoàn múa lân đang đi qua khán đài trong buổi liên hoan mừng tết Trung Thu của thiếu nhi tại Sài Gòn ngày 26/9/1969.

Các Hướng đạo sinh Sài Gòn này đã dùng những mô hình phi thuyền và máy bay phản lực để thể hiện nhận thức của mình về thời đại. Hơn 5.000 trẻ em đã họp mặt tại Công viên Tao Đàn ngày 26/9/1969 để mừng tết Trung Thu.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang phát quà Trung thu cho một số em trong khoảng 5.000 thiếu niên tham dự buổi liên hoan mừng Tết Trung Thu.

Một tiệm bánh tại Sài Gòn trưng bày hình ảnh các Phi hành gia Mặt trăng để thu hút sự chú ý đến bánh Trung Thu – một món bánh truyền thống bán vào dịp tết Trung Thu. Hình chụp tại tiệm bánh Phú Hương nổi tiếng trước năm 1975, nằm ngay gần góc Hiền Vương – Pasteur (nay là góc Võ Thị Sáu – Pasteur).

Tòa Trụ sở Hạ Nghị Viên trước công viên Lê Lợi, thuộc công trường Lam Sơn năm 1971. Chức năng nguyên thủy của tòa nhà là nhà hát phục vụ chủ yếu cho người Tây, nhưng sau đó lại trải qua nhiều lần biến đổi chức năng: Trụ sở Quốc hội – Nhà Văn Hóa – Trụ sở Hạ Nghị Viện. Mãi đến sau năm 1975 thì mới được trả đúng về công năng nguyên thủy và đổi tên thành Nhà Hát Thành Phố.

Công viên Lê Lợi năm 1971 – Năm 1910, nhà cầm quyền thuộc địa cho đặt một bức tượng vinh danh sĩ quan Francis Garnier. Về sau, người ta dựng một bức tượng khắc họa hai binh sĩ Thủy quân Lục chiến VNCH nhưng lại đặt theo hướng giương vũ khí vào nhà Hạ nghị viện. Sau năm 1975 thì tượng này đã bị đám đông kéo đổ và khoảng năm 1998 chính quyền thành phố cho đặt một tượng granit đỏ tên là Tình mẫu tử trong đài phun nước tại công trường.

Khách sạn Continental nằm trên đường Tự Do, gần với vị trí của Nhà Hát Thành Phố. Khách sạn bắt đầu xây vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc, xây cất mất 2 năm và khách sạn Continental khánh thành năm 1880.

Năm 1911, Khách sạn Continental được bán cho Công tước De Montpensier (người xây Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết). Năm 1930, khách sạn lại được “sang tay” cho một tay trùm tội phạm từ đảo Corse tên Mathieu Francini. Francini quản trị khách sạn cho tới năm 1975. Trong những thập niên 1960 – 1970, chính phủ Sài Gòn bắt các cơ sở thương mại phải dùng bảng hiệu tiếng Việt, vì thế khách sạn có tên là “Đại Lục Lữ Quán”.

Hình chụp góc đường Phan Bội Châu – Lê Lợi (phía Đông chợ Bến Thành) – Trong hình là bảng hiệu nhà thuốc tây Tô Ngọc Dung, nhưng người Sài Gòn lại quen gọi là nhà thuốc Nguyễn Văn Cao.

Đường Lê Lợi năm 1971

Giàn hoa phúng điếu của dân SG trước năm 1975, những giàn hoa này đều được kết bằng hạt cườm thật chứ không phải ống nylon tím như bây giờ

Đại lộ Lê Lợi năm 1971, hướng nhìn từ bồn phun nước ở Bùng binh Bồn Kèn (vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi)

Đường Lê Thánh Tôn – Phía trên là ngã tư Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực, rẽ về bên phải là ra đường Lê Lợi

Viết một bình luận