“Biết đâu cội nguồn” (Trịnh Công Sơn) – Ta là ai trong kiếp sống con người và ta đang nơi đâu trong cõi luân hồi vạn kiếp

Người yêu nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ hiểu được ông là một người nhạc sĩ của những tình khúc, những khắc khoải, những thầm lặng khi nói về những thân phận, những tình yêu. Và cũng rất nhiều người muốn tìm đến Trịnh Công Sơn trong nỗi bâng khuâng về cuộc đời, không biết cội nguồn thực sự của mình là nơi đâu, hay những ước hẹn, những vọng ước của bản thân đang trôi dạt đến nơi nào. Mượn hình ảnh ánh trăng sáng trên bầu trời và dòng sông êm ả đang thả trôi theo từng con nước nhỏ mà nói lên triết lý về cuộc đời, triết lý về cõi nhân sinh này và đâu đó trong nhạc khúc cũng mang theo chút ý nghĩa về tâm linh cùng tín ngưỡng. Bản thân ca khúc “Biết đâu cội nguồn” đã nói lên ý nghĩa của toàn bài và nó còn mang theo cái tên trùng với một bài giảng trong quyển Kinh thánh. Con người cần phải biết cội nguồn thực sự của mình là ở đâu, đây không phải là chỉ quê hương hay nơi mình sinh ra mà là tâm hồn. Bởi khi con người vẫn còn hoang mang về nguồn cội, vẫn chưa biết mình thực sự thuộc về nơi nào thì họ vẫn còn hoang mang về mục đích sống, mục đích bản thân tồn tại trên cõi luân hồi này.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

“Biết đâu nguồn cội”, biết đâu mới là nơi mình thật sự thuộc về trong cõi nhân sinh đầy khổ lụy? Tựa đề bài hát như đặt ra một câu hỏi cho cuộc đời này, người trả lời được câu hỏi đó, mới biết được “mình sống để làm gì?” và “sống như thế nào cho tốt?”. Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của nhạc sĩ họ Trịnh, mà nó còn là nỗi trăn trở của hàng vạn con người ngoài kia: “Nguồn cội của ta đang ở chốn nào?”. Mang trong mình giai điệu vui tươi từ những nốt nhạc đầu tiên cho đến khi bài hát kết thúc, nhưng mỗi nốt nhạc lại như một giọt nước đọng lại cõi hư không, đến cuối bài giọt nước ấy đã gần tràn nhưng người nghe vẫn đang chìm đắm trong mối suy tư mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt ra.

“Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ

Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du

Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ

Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Mượn đại từ xưng hô “em” để chỉ cho toàn bộ kiếp nhân sinh, nhạc sĩ họ Trịnh chỉ xem coi trần gian này là một cõi luân hồi tạm bợ, hành trình mà con người bước đi qua cõi đời này như một du khách ngồi trên chuyến đò trôi xuôi theo con nước trên dòng sông. Dòng sông ấy là dòng sông của cuộc đời, ngồi trên con đò mà ngắm nhìn trăng vàng đang lim dim nằm ngủ như thứ ánh sáng rực rỡ nào đó đang chiếu rọi tâm hồn ta. Con sông ấy cũng như một lữ quán với hàng vạn khách trọ và ánh trăng đêm chính là vị khách lãng du, sáng đi rồi tối lại đến, chẳng định cư một chỗ bao giờ. Và đời người cũng như thế! Bởi trong kiếp sống luân hồi vô cùng của sinh mệnh, cuộc đời này của mình có khác chi là quán trọ, ở đó có được mấy ngày đâu, sau cùng vẫn là vội vã rời đi mà chẳng lời từ giã!

Ngày bản thân bước chân lên chuyến đò của cuộc đời, cái nhìn đầu tiên chính là nhìn cảnh vật xung quanh như một cái nhìn tĩnh lặng, mọi thứ vẫn còn tươi trẻ, vẫn còn là những chồi non chỉ mới đơm nở. Đến cả “con trăng còn trẻ”, nên bản thân vẫn cứ đinh ninh rằng mọi thứ sẽ trường tồn vĩnh cửu. Nhưng rồi sau, chợt có một ngày, vô tình nhìn lại “ngày kia trăng sẽ già” và bản thân cũng sắp vĩnh biệt nhân thế, vậy trước đó, bản thân mình đã làm được gì và sống trên cõi nhân sinh này để làm gì?

Mọi thứ mà chúng ta bắt gặp được trên cuộc đời này như ánh trăng vàng tròn xoe, hay có lúc trăng khuyết chỉ còn một nửa và hình ảnh trăng như một lãng du đến rồi đi chẳng lời chào tạm biệt; trăng có lúc non như những đứa trẻ, nhưng cũng có lúc sẽ già đi khi ở tít trên cao. Nhưng đó cũng là điều dễ hiểu vì nó là chu kỳ, nó thuộc về quy luật của cõi luân hồi và trở thành quy luật bất di bất dịch. Nhưng trong cuộc sống với nhiều bộn bề cùng vất vả, con người ta đã quên đi sự tồn tại của quy luật này, họ nghĩ bản thân sẽ trường sinh và thậm chí còn muốn kiếm tìm những thứ hạnh phúc ngắn ngủ trong cõi vô thường với ước muốn về một cuộc sống không bao giờ có sự ra đi.

“…..Em đi qua chuyến đò ối a trăng nay đã già

Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra

Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể

Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Chợt một ngày, bản thân dường như vẫn chưa chiêm nghiệm đủ nhưng trên con đường tưởng chừng vẫn còn non trẻ ấy lại phát hiện mọi thứ trên cõi đời này đều trở nên già cỗi, đều đang dần mất đi sự sống, dần chìm vào hư vô. “Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra”, tại sao lại nói vậy nhỉ? Bởi trong cuộc sống khốn khó, người người tranh giành nhau từng miếng cơm manh áo, giành giật từng đồng từng bạc để duy trì cuộc sống, trong lúc vô tình đã tạo ra không biết bao nhiêu là tội nghiệp, không biết bản thân đã dẫm đạp lên những ai để có được cuộc sống này. Cũng giống như ánh trăng soi mình dưới dòng nước sông tĩnh lặng, mượn con nước để đắm mình trong vẻ đẹp của bầu trời đêm, vô tình đã vay mượn rất nhiều từ con sông nhỏ. Nhưng có thật sự là sông kia không nhớ ra, hay chỉ là để dành đó và sẽ giành lại ở một kiếp sống khác? Mỗi kiếp một cuộc đời, mỗi cuộc đời lại có thêm một chút nghiệp, tội nghiêp cứ thế mà chồng chất, không biết bản thân phải trả đến bao giờ, không biết còn phải luân hồi qua bao nhiêu kiếp thì mới có thể an yên.

“Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể”, cuộc sống này vốn nhiều mưu mô và cạm bẫy, nó cuốn con người ta vào những guồng quay không lối thoát, họ cứ tranh giành nhau từng chút một, để rồi chà đạp lên nhau. Chỉ có những lúc tâm ta thanh tịnh, yên lặng mà suy ngẫm cùng với cuộc đời, từng chút một quan sát, từng chút một suy ngẫm mới cảm nhận được sự oán trách của cuộc đời. “Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về”, dòng sông kia oán trách ánh trăng thật tệ, nó thay cho sự oán trách khôn nguôi của cuộc đời này dành cho ta, bản thân ta đã làm gì với cuộc sống ấy để nhận lấy sự oán trách nhiều thế này. Có làm gì đi chăng nữa, có rời đi bao lâu nữa thì cuối cùng cũng hãy nhớ trở về, trở về lại nơi con sông vẫn đang chờ đợi, trở lại để trả hết nợ đời, trả hết những thứ mà đò đã vay mượn của sông. Vòng quay luân hồi, vòng quay của sinh – lão – bệnh – tử, có mấy người trốn tránh được, có chăng chỉ là thêm một lần trở về điểm xuất phát ban đầu, để trả nợ đời, trả nợ người.

“……Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội

Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi

Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội

Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài…..”

https://www.youtube.com/watch?v=J2KPJodFmnA

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Ngọc Lan trình bày.

Cuộc đời vốn dĩ đã được sắp đặt ngay từ đầu, con người ta cứ để thuận theo tự nhiên như con đò trôi êm theo dòng chảy của nước thôi, cần gì cưỡng cầu hay mong muốn thay đổi để làm gì, cứ hòa theo từng nhịp điệu vui tươi của cuộc sống để thấy cuộc đời này thêm ý nghĩa. Hòa theo giai điệu nhộn nhịp của ca khúc mà không còn sầu lo, không còn u buồn như ngày cũ, vì có lo lắng, có ưu tư cũng chẳng thể nào thay đổi được quy luật của kiếp sống này. “Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi”, đã có nơi chốn này vẫn chờ đợi, chỉ cần bản thân thấy buồn, thấy bất lực cứ trở về nơi đây mà tìm vui với những điều không tưởng. Biết đâu như thế, cuộc sống của ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn, vô tư và hồn nhiên hơn, cũng có thể là sớm trả sạch nợ đời để được trở về với cõi yên bình nơi hư vô. Thậm chí, có người còn tự hạ thấp mình trước thiên hạ để xin làm hòn đá cuội mà “lăn theo gót hài”, mặc cho sự sống trôi xuôi hay lăn đến đâu đi nữa. Nhưng cũng đừng vì thế mà vội vàng, đừng vì thế mà đổ xô theo cuộc sống gấp gáp, cứ bình tâm và bình tĩnh như hòn đá cuội níu giữ chân người.

“……Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tối

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.”

Con người sống nơi nhân gian huyền ảo này, vui tươi cười đùa là thế, khổ đau hay bi lụy đều có, nhưng đến cuối cùng vẫn không “biết đâu nguồn cội”? Như rơi vào cõi mê ảo, chẳng biết đâu là cội nguồn nhân sinh thật sự, chẳng biết sống để làm gì và cũng chẳng biết sống để được chi? Và cũng trong chính cơn hư ảo đó, bản thân cứ mải miết mà đuổi bắt, mải miết mà kiếm tìm những thú vui cho riêng mình, mặc cho bèo nước trôi xuôi thế nào đi nữa. Bản thân chỉ đắm mình trong những hư ảo của vạn vật, cứ vui buồn theo sự biến chuyển của hư không ví như “cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tối” – Cây thu bóng thì ta cũng thu mình vào bóng cây để tránh đi cơn nắng gắt; “tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời” – Khi trời trút xuống những cơn mưa ta cũng chỉ vui đùa mà hòa mình với dòng nước hay có khi là thu mình lại dưới những mái hiên nhỏ để tránh đi.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói một câu thế này: “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…”. “Biết đâu cội nguồn”, bản thân không biết được nguồn cội thật sự của mình là đâu thì làm sao biết được mục đích sống thật sự của mình cõi nhân gian này là gì? Mơ hồ vẫn hoài mơ hồ, cuộc đời ta cứ như một chuyến ngao du không mục đích, ganh đua theo những trào lưu vô ích, hiện hữu trong dòng đời gây nên những nghiệp tội khó dung, sau đó lại quay người mà tự hủy hoại bản thân. Ban đầu ta sinh ra trong cõi đời này là với đôi bàn tay trắng và khi rời đi, chúng ta cũng có mang theo được gì ngoài đôi bàn tay trắng thuở nào. Vậy hà cớ gì mà phải bon chen cùng giành giật, có chẳng chỉ là sự lựa chọn nhất thời mà thôi! Biết được nguồn cội, biết được nơi mình thuộc về, biết được mục đích tồn tại của bản thân mới chính là con đường hạnh phúc nhất của trong kiếp luân hồi.

Lời bài hát Biết Đâu Cội Nguồn – Trịnh Công sơn

Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già

Em đi qua chuyến đò ối a trăng nay đã già
Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra
Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể
Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về

Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tối
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời.

Viết một bình luận