Bí ẩn vết thủng trên má tượng Pestrus Ký tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Sài Gòn)

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong 

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tọa lạc ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5 là ngôi trường có kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, cũng là một trong ba ngôi trường THPT lâu đời nhất Sài Gòn. Ngôi trường được thiết kế vào năm 1925 bởi kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard và được khởi công xây dựng liền sau đó. Do khoảng thời gian này, số lượng học sinh người Việt theo học chương trình trung học Pháp ngày càng nhiều, trường trung học Chasseloup Laubat (hiện nay là trường THPT Lê Quý Đôn) không còn đủ sức chứa nên chính quyền Pháp phải cho thành lập cơ sở mới để làm một phân hiệu mới đặt tại Chợ Quán. 

Trường được xây dựng hoàn thành vào 1927 với tên gọi Collège de Cochinchine, đặt dưới sự điều hành của ban giám đốc Trường Chasseloup Laubat và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu. Ngôi trường có kiến trúc độc đáo được chia thành ba khu riêng biệt bao gồm: khu học tập, khu nội trú và khu thể thao. Vị trí ngôi trường nằm giữa hai thành phố lúc bấy giờ là Sài Gòn và Chợ Lớn, có diện tích rộng lớn, yên tĩnh. Bốn con đường xung quanh bao gồm Thành Thái, Cộng Hòa, Nguyễn Hoàng và Trần Đình Trọng đều thuộc phần đất của Petrus Ký. Tuy nhiên, trong thập niên 1950 do sự phát triển nhanh chóng của nền giáo dục nên phần đất đai của trường bị cắt xén, trưng dụng phục vụ cho những cơ quan giáo dục khác. 

Trường TH Petrus Ký – nay là trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong

Đến năm 1928 trường mới khai giảng năm học đầu tiên với 200 học sinh. Đến tháng 12-1929, nhân dịp lễ khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký diễn ra ở công viên trước trước dinh Norodom (hiện nay là Dinh Độc Lập); Thống đốc Nam Kỳ là Blanchard de la Brosse đã đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký (Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký), thường được gọi tắt là Petrus Ký.

Hình ảnh học sinh trong sân trường Petrus Ký

Học sinh của trường tăng dần qua các năm học, do các kỳ tuyển chọn và thi cử gắt gao nên học sinh theo học ở trường phần lớn đều là học sinh khá giỏi, chăm chỉ. Sau này do chiến tranh nên năm 1942 học sinh trường di chuyển về trường cơ sở Sư phạm Sài Gòn. Đến ba năm sau, trường Sư phạm bị trưng dụng làm doanh trại cho quân đội Nhật nên học sinh trường Petrus Ký lại phải di chuyển sang trường Tiểu học Tân Định rồi ngừng hoạt động. Cho đến năm 1946, khi quân Pháp quay lại chiếm đóng Sài Gòn, trường được mở lại nhưng phải dạy nhờ ở chủng viện Công giáo Saint Joseph ở đường Lucien Mossard (ngày nay là Nguyễn Du). Một năm sau đó trường được dời về chỗ cũ ở Chợ Quán và hoạt động cho đến nay.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến năm học 1976 – 1977 trường được đổi sang tên của cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Và đây là tên gọi chính thức của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đến thời điểm hiện tại. 

Petrus Trương Vĩnh Ký 

Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), lúc nhỏ có tên là Trương Chánh Ký. Sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, tự là Sĩ Tải, tên thánh là Jean Baptiste Pétrus. Quê quán ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long ngày nay là địa phận thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ông mồ côi cha mẹ từ rất sớm và được dạy dỗ, nuôi dưỡng bởi các linh mục như Cố Tám, Cố Lâm. 

Hình ảnh được trích từ bộ sưu tập ảnh “Chuyến đi từ Ai Cập tới Đông Dương” (Voyage de l’Égypte à l’Indochine) của hai nhà nhiếp ảnh Hippolyte Arnoux và Emile Gsell, xuất bản năm 1880.

Sau này, ông học hai năm ở giáo đường Cái Nhum, ba năm ở trường đạo Pinhalu (Campuchia) và tám năm ở chủng viện Dulaima ( Penang, Malaysia). Trong quá trình học tập, ông được tiếp xúc với nhiều giáo viên giỏi và bạn học ở nhiều quốc gia khác nhau. Đến năm 22 tuổi ông đã sử dụng thành thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. 

Trương Vĩnh Ký được mệnh danh là nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và là nhà khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ 19. Ông được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, đồng thời nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ 19, được ghi tên trong Tự điển Larousse.

Bí ẩn “vết thủng” trên má tượng Petrus tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Tượng Petrus Ký được tiến hành điêu khắc từ năm 1889 bởi nhà điêu khắc người Pháp Sylve Raffegeard, trong khoảng thời gian này nhà bác học Trương Vĩnh Ký vẫn còn tại thế. Đến ngày 6-12-1937, nhân dịp lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn hóa, nhà bác học Trương Vĩnh Ký, trường đã đặt tượng bán thân bằng đồng của ông Pétrus Trương Vĩnh Ký tại giữa sân trường.

Tượng Petrus Ký được trưng bày tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

Bức tượng bán thân được tạc theo chân dung của Petrus Ký khi ông còn trẻ, trên ngực là Ngọc Khánh và Long Khánh do vua Đồng Thái trao tặng, cùng bốn huy chương gồm: 

  1. Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp
  2. Palmes d’Académie của Hàn Lâm viện Pháp
  3. Tứ đẳng Long tinh của Nam triều
  4. Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha .

Ngày nay, tượng được đặt trong phòng truyền thống của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trên vai trái của tượng vẫn còn hiện rất rõ tên người điêu khắc và năm thực hiện. Trên má trái của tượng, gần hàm dưới có một vết lõm vào. Khi được hỏi nguồn gốc của “vết thủng” thì cô Trương Thị Lệ Hà – phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết đó có thể là vết đạn đã có từ trước năm 1975. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: Đó là vết đạn để lại do cuộc chiến giữa lực lượng Bình Xuyên và chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1955, vào thời điểm lực lượng Bình Xuyên đóng ở Trường Petrus Ký. Lực lượng Bình Xuyên lúc này được Pháp hậu thuẫn do ông Lại Hữu Tài trấn giữ không chịu sáp nhập vào Nha cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa nên lực lượng Bình Xuyên đã bố trí quân đội chiếm đóng tại trường Petrus Ký nhằm ngăn chặn lực lượng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong cuộc chạm súng, đã có đạn lạc trúng vào má tượng ông Petrus Ký để lại vết thủng đến ngày nay.

Viết một bình luận