Andre Thuận – người thành lập gánh xiếc đầu tiên xứ Nam kỳ và có công hình thành sân khấu cải lương

Đầu thế kỷ XX nhiều đoàn xiếc danh tiếng của thế giới đã tới Việt nam như nhóm tạp kỹ Trung Quốc (1912), gánh xiếc Nhật Bản (1913), Đoàn xiếc Bostock của Anh (1914), Đoàn xiếc Amstrong của Anh (1922), Đoàn xiếc Rodeo của Mexico (1927), Đoàn Carnavale de Manila của Philipin (1929), Đoàn Amstrong của Anh sang lần thứ 2 (1930). Đoàn Uytixay của Ấn Độ (1935) … gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng đương thời về trò xiếc mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm. Trước sự kiện của Đoàn xiếc phương Tây ồ ạt vào Việt Nam, các nghệ nhân xiếc trong nước đã tập hợp nhau lại mở lò luyện xiếc, có thể thấy gánh xiếc Cirque Jeune Annam (Tân Nam Việt) của ông Andre Thận ở Sa Đéc là một trong những gánh xiếc tiên phong lập ra từ năm 1917. Tuy nhiên, gánh xiếc của ông ban đầu phụ diễn màn mở đầu cho gánh đờn ca tài tử Sadec Amis cũng do ông sáng lập trước đó với bảng hiệu: Gánh hát thầy Thận Cirque jeune Annam – Ca ra bộ – Sadec Amis và đến năm 1922 bán lại gánh hát cải lương cho ông Trương Văn Thông, lập nên gánh cải lương Tân Thinh.

Quảng cáo gánh Cirque Jeune Annam Andre Thận

Nhắc đến cải lương, người lớn tuổi yêu thích cải lương ở Nam Kỳ đều biết đến hai gánh hát đình đám thuở đó là: Gánh Châu Văn Tú (1918) ở Mỹ Tho và gánh Tân Thinh (1922) ở Sa Ðéc (tại Sa Ðéc còn ngôi biệt thự xây dựng theo lối cổ của Pháp mà người địa phương quen gọi là biệt thự “Tân Thinh”. Ðây là tài sản của gánh Tân Thinh xưa). Cả hai ông bầu đều dùng từ Cải Lương để giới thiệu gánh hát của mình với công chúng. Ðây là một dạng ca ra bộ mới trên sân khấu được trang hoàng đẹp đẽ, có màn nhung, tranh cảnh. Tuy vậy, người mộ điệu và giới nghệ sĩ cải lương vẫn luôn ghi nhớ và tri ân ông Andre Thận, người có công tiên phong trong việc đưa đờn ca tài tử trở thành bộ môn cải lương mà ông Trương Văn Thông sau khi trở thành chủ gánh Tân Thinh vẫn duy trì treo hai câu thơ trước rạp mỗi khi đi trình diễn khắp nơi: “Cải Lương ca hát theo tiến bộ / Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Như vậy, từ năm 1920 Gánh hát thầy Thận Cirque jeune Annam – Ca ra bộ – Sadec Amis được tách ra thành hai bộ phận, gánh xiếc và cải lương. Vì lý do gì thầy Thận lại chọn riêng cho mình hướng đi mới trong ngành nghệ thuật biểu diễn mà cải lương thuở đó đang là thời kỳ hoàng kim khởi đầu của nghệ thuật cải lương nói riêng.

Sự ra đời của Sadec Amis

Ông Đinh Công Thanh (78 tuổi), Hội Khoa học lịch sử Sa Đéc (Đồng Tháp), đang dành tâm lực viết các gương nổi tiếng đờn ca tài tử của Sa Đéc xưa cho biết André Thận tức Nguyễn Văn Thận (có sách ghi là Lê Văn Thận) là một công tử xuất thân từ gia đình giàu có ở Sa Đéc (nay là TP.Sa Đéc, Đồng Tháp). Nhưng theo ông Thanh, vì tư liệu về cuộc đời thầy Thận tản mát, con cháu thầy Thận là ai cũng không rõ, còn lớp người biết nhiều về thầy Thận thì cũng nhắm mắt xuôi tay nên để chứng minh lời khẩu truyền thầy Thận là “phá gia chi tử” dẫn đến đói nghèo đúng hay sai còn tốn nhiều công sức.

Nguyễn Văn Thận lớn lên trong gia đình giàu có tại Sa Đéc, thầy tốt nghiệp trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, từng đi làm “cò Tàu” cho hãng tàu Tây Messageries Fluviales chạy tuyến Hậu Giang – Nam Vang. Vì yêu thích đờn ca tài tử nên thầy đã hợp tác cùng ban Bảy Đồng và đích thân đứng ra xin phép tắc để hợp thức hóa mọi hoạt động văn nghệ. Từ đây, nhóm đờn ca tài tử hoạt động có giấy phép hẳn hoi với cái tên mới Sadec Amis mà sau đó có người ghép lại đọc sai thành Sadecamis.

Năm 1916 – 1917, thầy Thận xem đoàn xiếc của Mỹ sang Sài Gòn và lưu diễn tại các tỉnh miền Nam đã nảy ra ý hay đem áp dụng cho Sadec Amis. Thầy Thận đã đệm màn phụ diễn như xiếc chen vào màn ca ra bộ nên gánh thầy luôn lôi kéo khán giả. Sau đó thầy trương bảng: Gánh hát thầy Thận Cirque jeune Annam – Ca ra bộ – Sadec Amis.

Thầy Andre Thận chủ nhân gánh xiếc Cirque Jeune Annam

Trong gánh thầy Thận có nhiều “kỳ nhân” như “người rắn không có xương sống” xếp được hai chân chui được vào ống cống đường kính chừng 5 tấc rồi lộn ra như con rắn; có lực sĩ nằm để xe hơi cán ngang bụng; có nữ nghệ sĩ Mai Hảo với tài đi dây, nhào lộn trên đu chẳng kém các nghệ sĩ xiếc của Tây; lại có nghệ sĩ Tám Danh giỏi võ với biệt tài phóng dao, đánh kiếm… Thời kỳ đó gánh thầy Thận lên Sài Gòn che rạp trước chợ Bến Thành được khán giả chen nhau mua vé.

Dấu ấn 2 chữ “cải lương”

Nhắc về Sa Đéc, ông Thanh tự hào cho biết: “Gánh thầy Thận có công đầu trong buổi ban mai hình thành sân khấu cải lương. Còn chữ cải lương cũng xuất phát tại Sa Đéc trên gánh Tân Thinh với câu chữ treo trên bảng hiệu: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Chủ gánh là ông Trương Văn Thông, là người Sa Đéc, dựng gánh hát từ năm 1922. Tại Sa Đéc còn ngôi biệt thự xây dựng theo lối cổ của Pháp mà người địa phương quen gọi là biệt thự “Tân Thinh”. Đây là tài sản của gánh Tân Thinh xưa”.

Ban nhạc đờn ca tài tử ở Sài Gòn năm 1911

Thầy Thận có ý định bỏ gánh hát để dựng lên một sân khấu cải lương hoàn toàn. Thế nhưng, lực bất tòng tâm nên thầy đã sang gánh hát lại cho bạn là thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Phần đời sau này của thầy Thận ra sao, sống chết sang hèn thế nào hiếm thấy đề cập đến.

Ông Thanh nói thêm, tuy là tài tử nhưng chắc chắn thầy Thận phải có uy tín mới “dời” được hai nhân sĩ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ Đặng Thúc Liêng và Trương Duy Toản giúp đỡ. Cụ Toản vì tham gia cứu quốc nên bị Pháp câu lưu ở Cần Thơ theo dõi. Cụ Toản đã lập ra ban nhạc tài tử Ái Nghĩa để ca các bài đơn ca do chính cụ soạn hát chơi trong các thôn xóm. Nghe danh, nhóm Sadec Amis đã mời cụ tới Sa Đéc nhập gánh và cụ Toản nhận lời, cụ đã soạn các bài đơn ca thành liên ca như Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim Kiều hạnh ngộ… phổ theo điệu Tứ đại oán. Gánh thầy Thận rất nổi tiếng, lưu diễn ở các nơi và rất ăn khách ở Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho mà trong đó Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều ăn khách nhất.

Gánh Sadec Amis được vang danh nhờ những bài như Tứ đại oán gồm 5 lớp, trích đoạn lớp nhứt do cụ Toản soạn như sau:

Khi từ khi Kiệm thi rớt trở về

Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề

Trách quở mắng chàng ham bề vui chơi

Kiệm thưa tài bất thắng thời

Có lẽ nào con không lo bề công danh

Tuổi con hãy còn xuân xanh…

Lúc ấy do biểu diễn cách tân nên đông khán giả lắm. Với phương châm người ta nghe đờn ca sướng tai chưa đủ mà phải làm sao coi cho khoái mắt nữa mới hay. Nhóm thầy Thận với chỉ dẫn của cụ Toản đã mạnh dạn tách rời ca sĩ ra khỏi dàn đờn để bắt họ đứng lên, đối diện với nhau và vừa ca vừa ra bộ, làm màu, theo sát tình cảm của từng câu, đoạn ca gọi là ca ra bộ. Sau đó ca ra bộ lớn dần với những bước nghệ thuật kế tiếp là hát chập là hình thức liên ca, ra điệu bộ, được lồng trong các cốt truyện có tình tiết nội dung. Buổi bình minh của sân khấu cải lương khởi điểm từ đây. Trong bài viết Hát bội hay hát bộ học giả Vương Hồng Sển cũng đề cập: “Trở lại tìm hiểu hậu tổ cải – lương là ai, xin cho tôi nhấn mạnh và ghi công cho ông André Thận và ông Mạnh Tự Trương Duy Toản”.

Theo tư liệu của Ngành Xiếc Việt Nam ghi nhận: “Ðầu thế kỷ XX nhiều đoàn xiếc danh tiếng của thế giới đã tới Việt Nam như nhóm tạp kỹ Trung Quốc (1912), gánh xiếc Nhật Bản (1913), Ðoàn xiếc Bostock của Anh (1914), Ðoàn xiếc Armstrong của Anh (1922 và 1930), Ðoàn xiếc Rodeo của Mexico (1927), Ðoàn Carnavale de Manila của Philippines (1929), Ðoàn Uytixay của Ấn Ðộ (1935) biểu diễn nhiều trò xiếc mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm”.

Các đoàn nghệ thuật quốc tế đến VN biểu diễn liên tục, có thể thấy bộ môn xiếc hoàn toàn hấp dẫn công chúng bên cạnh cải lương một bộ môn văn hoá văn nghệ không thể thiếu trong đời sống giải trí tinh thần của người dân trong nước. Trước sự kiện này, các nghệ nhân trong nước đã tập hợp nhau lại mở lò luyện xiếc, góp vốn mở các gánh xiếc như gánh hát thầy Thận Cirque Jeune Annam – Ca ra bộ – Sadec Amis (1917), gánh Xiếc Năm Tú ở Mỹ Tho (1918), Sáu Súng ở Nam Bộ (1919), gánh Xiếc Tân Nam Việt ở Sài Gòn (1922). Ở Hà Nội có Xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển (1922), Xiếc Ðại Nam cửa Lưu Khánh Vân (1924), Xiếc Long Tiên của Phạm Xuân Trang (1925), Xiếc Ðại Việt (Xiếc Ca Công) của Mai Thanh Các, và nhiều tốp xiếc nhỏ khác rải rác tại miền Trung.

Việc ông Andre Thận bỏ hẳn bộ môn cải lương, tập trung cho gánh xiếc của mình năm 1922 lấy tên chính thức Cirque Jeune Annam (Tân Nam Việt) chỉ có thể lý giải do ông thấy môn xiếc có triển vọng thành một bộ môn nghệ thuật ăn khách không thua gì cải lương. Gánh xiếc của Andre Thận đi lưu diễn khắp Nam Kỳ và thường xuyên trình diễn ở Sài Gòn tại bùng binh chợ Bến Thành vào thập niên 1920.

Phạm Quỳnh ghé vào Sài Gòn ngày 13-3-1922, trong ‘Pháp du hành trình nhật ký’, nhà báo xứ Bắc kỳ viết: “…thời các bạn Nam kỳ cho xe hơi đến đón đi xem trò “xiếc” (cirque) của người đồng bào mình mới mở tại Sài Gòn được vài bữa. Bọn xiếc này đặt tên là “Xiếc Tân Nam Việt” (cirque du jeune An-nam), tài tử toàn là người An Nam cả, mà đứng chủ là ông André Thận, năm trước đã sung phái bộ ra xem Hội chợ ở Hà Nội. Bọn này mới tập có mấy tháng mà làm trò đã tài lắm, leo dây, múa rối, chẳng kém gì các bọn xiếc của người Mỹ người Ý đã sang làm trò ở bên ta. Có mấy vai tài tử xuất sắc nhất, tưởng sánh với người các nước cũng không thua, nhất là vai thầy Hào và vai cô Mão. Ðàn bà An Nam ta mà làm trò xiếc trước nhất: chắc là cô Mão này.

Xong trò xiếc lại diễn thêm một bài tân kịch đề là “Vợ ngoan làm quan cho chồng” của ông Hồ Văn Lang đặt để giúp cho việc cổ động công thải 6 triệu đồng. Bài kịch soạn khéo, người diễn cũng giỏi. Trước tôi vẫn biết trong Nam kỳ mấy năm nay mới xuất hiện một lối kịch mới gọi là “tuồng cải lương” thịnh hành lắm, nhưng chưa hiểu cải lương ra thế nào. Nay được xem bài kịch này mới rõ”.

Xem ra ông Andre Thận không từ bỏ nghề cải lương của mình. Nhưng lúc này, xiếc là chính, cải lương là màn trình diễn phụ hoạ, không như giai đoạn đầu cải lương là chính, xiếc làm màn phụ hoạ mua vui.

Theo tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Ðức Hiệp, trên báo Écho Annamite 9/6/1927 có đăng quảng cáo gánh xiếc Long Tiên ở Place de Cuniac. Bài báo cho biết đoàn xiếc Long Tiên là đoàn thứ ba sau đoàn Việt Nam và Ðại Nam của người Việt từ Bắc kỳ vào trình diễn. Ðoàn nay đã có trình diễn ở Trung, Thái Lan, Trung Hoa… Ðây là những đoàn đã lập ra sau đoàn xiếc tiên phong Jeune Annam của ông Andre Thận ở Nam Kỳ.

Một quảng cáo gánh xiếc Long Tiên trình diễn ở Sài Gòn

Cũng trên Écho Annamite 30/1/1929 có đăng tin như sau: “Hôm nay có dịp cho phép chúng tôi chào đón đến thành phố chúng ta một người bạn khác của chúng tôi, đó là ông André Thận, được ái mộ biết tiếng là cựu giám đốc của đoàn xiếc “Cirque Jeune Annam”, đoàn xiếc đầu tiên của người Việt, và cũng là người có công to lớn trong sân khấu cải lương (le grand rénovateur du theatre) nói cách khác là người đã đỡ đầu cải lương (patron du Cai luong). Ông André Thận hiện đang thực hiện một tour quảng cáo cho nhiều công ty thương mại ở Saigon. Ông bán đủ loại hàng hóa và trình diễn, với sự trợ giúp của ông Fahry, thử nghiệm cách dùng các máy dập tắt lửa, chữa lửa (les appareils extincteurs) hiệu Impérator. Những máy chữa lửa đã được trình diễn vào ngày 27 tháng này, ở công trường chợ Bến Thành (place du marché) với số lượng đám đông tụ tập như những ngày đại lễ. Sự hữu hiệu và tiện ích của các máy dập tắt lửa đã được trình diễn trước mắt các nhà doanh nhân và công chức trong chính quyền, họ đã không tiếc lời chúc mừng khen các nhà điều hành, ông Fahry và ông André Thận.”

Nhìn lại quá trình lịch sử có thể xác định: Gánh xiếc của ông Andre Thận có thể được xem là gánh xiếc tiên phong của xứ Nam Kỳ, ra đời năm 1917 và trở thành gánh xiếc chuyên nghiệp từ giữa tháng 3/1922 với cái tên chính thức Cirque Jeune Annam. Trong khi ở Bắc kỳ ngày 5/12/1922 ông Tạ Duy Hiển mới trình diễn buổi ra mắt đầu tiên của đoàn Xiếc Việt Nam do ông sáng lập.

Viết một bình luận