A Bê Xê hay A Bờ Cờ? Sự phong phú trong ngôn ngữ của Việt Nam xưa và nay

Ngôn ngữ Việt Nam trước và nay luôn được cải biên và đổi mới. Ngay cả bộ sách tiếng Việt cũng được cải cách nhiều lần với mục đích mang lại kiến thức mới nhất đến cho trẻ em – Mầm non của đất nước. Tôi cũng phải nói thêm cho các bạn hiểu rằng trước và sau khi đất nước thống nhất hai miền Nam – Bắc vào năm 1975 thì ngôn ngữ Tiếng Việt cũng có nhiều thay đổi. Trong đó sự thay đổi về chính tả, về phương diện phát âm chữ cái cũng mang lại nhiều ý kiến trái chiều. Chẳng hạn như chữ cái “A, B, C” có chính xác phát âm là A, Bê, Xê hay A, Bờ, Cờ cũng vẫn là câu hỏi lớn được đặt ra. 

Tuy là sự thắc mắc về phát âm chỉ diễn ra ở các phụ âm “B, C, D,…” chứ với nguyên âm “A, E, I, O, U” mà người ta hay nói vui là “uể oải” thì không có sự thay đổi nào trong cách đọc cả. Thế nhưng ngày nay tôi nghe nói rằng có người nói việc phát âm chữ cái A, B, C là a, bê, xê sẽ phù hợp hơn với xu thế hội nhập.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một trong những người truyền bá quốc ngữ qua phong trào Bình dân Học vụ đã từng nói “những chữ dễ viết cho những ngón tay chưa từng cầm bút… Vì lẽ đó tôi đã bắt đầu sách bằng hai chữ I, Tờ”. Trong cuốn sách đó, Giáo sư đã ghi rõ cho mọi người cách phát âm những chữ cái B, C, D, Đ… là A, Bờ, Cờ, Dờ, Đờ,… Còn các phụ âm ghép như NG, TH, PH, TR,… thì sẽ phát âm là Ngờ, Thờ, Phờ, Trờ,… Những chữ ghép vần nếu sử dụng a, bờ, cờ thì cũng dễ ghép hơn. Chẳng hạn chữ “cò” thì khi đọc “cờ o co huyền cò” thì vẫn dễ và thuận miệng hơn là “xê o co huyền cò”, tương tự chữ “bò” thì đọc là “bờ o bo huyền bò” sẽ đơn giản hơn là “bê o bo huyền bò”. Còn ví dụ chữ mà có phụ âm ghép “th” như chữ “thu” thì sẽ đọc là “thờ u thu” chứ nếu đọc là “tê hát u thờ u thu” thì lại không hợp lẽ. Với những cách đánh vần như trên thì cách đọc của Giáo sư có lẽ là dễ hiểu và thân thuộc với mọi người, những người lớn tuổi mà muốn học chữ thì cũng dễ hiểu và không bị rối. Ngoài ra, Giáo sư còn có một bài thơ về cách ví von chữ cái để người đọc dễ nhớ và ứng dụng như:

“I Tờ hai móc giống nhau,

I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang

O tròn như quả trứng gà, 

Ô thời đội nón, Ơ thời có râu

Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn,

Hỏi lom khom đứng, Ngã thời nằm ngang”.

Phương pháp đánh vần I Tờ được tạo ra bởi Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã giúp ích được cho rất nhiều người. Ông là người có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực như nhà ngôn ngữ học, giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học,… Chính vì nhờ những kiến thức rộng lớn này mà ông đã soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.

Hình ảnh học chữ cái của các bà mẹ tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) ngày nay

Phương pháp đánh vần của ông một thời từng là phương pháp tuyệt diệu nhất để giúp người dân Việt Nam học đánh vần, xóa nạn mù chữ. Tuy nhiên trải qua một thời gian, ngôn ngữ Việt Nam cũng thay đổi nên mọi người cũng không còn hiểu cụm từ “I Tờ” theo đúng ý nghĩa gốc của nó nữa. Thay vào đó, mọi người lại dùng cụm từ “I Tờ” để nói đến việc học không giỏi theo kiểu nhiều người hay nói vui là “tôi chỉ mới học tới lớp ba trường làng” để chỉ sự không biết nhiều về kiến thức nào đó. Về cụm từ “I Tờ” trong máy tính, nếu người ta muốn nói mình dở về lĩnh vực này thì sẽ nói “Về Computer thì tôi vô cùng… I Tờ” (ý là tôi không giỏi về máy tính). Nhiều người còn dùng chữ IT một cách loạn xạ. Chẳng qua chữ IT là từ viết tắt trong tiếng Anh (Information technology – Công nghệ thông tin), đọc theo phát âm tiếng anh là “ai ti”. Thế là khi nói “Tôi không giỏi về máy tính” thì mọi người lại sử dụng chữ I Tờ và IT để giải nghĩa cho câu nói của họ theo cách nói sau: “Về IT tôi rất I Tờ”, “Tôi I Tờ Ai Ti”… Thế là ngôn ngữ tiếng Việt lại loạn cả lên.

Quay lại vấn đề A, B, C thì miền Bắc và miền Nam lại có sự khác nhau trong cách phát âm, theo tôi tìm hiểu là vậy. Ở ngoài miền Bắc thì mọi người sẽ đọc là A, Bờ, Cờ theo đúng như phong trào Bình dân Học vụ. Còn miền Nam trong những năm 1954 đến 1975 thì trẻ em khi vào lớp Năm (Lớp 1 ngày nay) sẽ được dạy phát âm là A, Bê, Xê và người ta nói rằng đó là sự thay đổi, cải cách giáo dục.

Phong trào Bình Dân học vụ

Không riêng gì giáo dục mà ngay cả ở ngoài xã hội cũng không thống nhất được cách đọc. Chẳng hạn như nhóm G7, G20 thì đài truyền hình trung ương sẽ đọc là Gờ Bảy, Gờ Hai Mươi. Nhưng với bản tin của Sài Gòn thì sẽ đọc là Giê Bảy, Giê Hai Mươi. Có một đội bóng đá viết tắt mà bây giờ tôi cũng chẳng biết đọc sao cho đúng, đó là đội Manchester United (MU). Chữ viết tắt MU đó rốt cục là nên đọc Mờ U hay Em U mới đúng?

Thật ra tôi thấy chữ cái Việt Nam cũng không có sự thống nhất cho lắm. Chẳng hạn chữ Y với I thì đa số đều có thể dùng để thay thế cho nhau trong cách viết của người đọc. Chữ “kỷ niệm” cũng có thể viết là “kỉ niệm”, “bác sĩ” cũng có thể viết là “bác sỹ”,… Tuy nhiên không phải chữ nào cũng có thể đổi chữ Y thành chữ I được, như chữ “Y tế” thì không thể đổi thành “I tế”, tương tự chữ “yêu” cũng không thể đổi thành chữ “iêu”.

Trong cách viết chính tả của người Việt mình vào khoảng thập niên 20 thì còn sơ khai và chưa có quy định chặt chẽ về chữ cái nên có người còn viết cả chữ “giải fóng” thay vì “giải phóng”, “nhân zân” thay vì “nhân dân”,… Cuốn sách Đường Kách Mệnh của chủ tịch hồ Chí Minh, Bác cũng sử dụng từ “Kách Mệnh” thay vì “Cách mệnh” hay “Cách Mạng”, đó cũng là vì thời đó chưa có quy định chặt chẽ về chữ cái tiếng Việt.

Tóm lại ngôn ngữ Việt Nam vẫn chưa được thống nhất một cách cụ thể và vẫn còn nhiều đổi mới. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng Tiếng Việt là một ngôn ngữ phong phú và đa dạng, là một ngôn ngữ độc lập, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

1 bình luận về “A Bê Xê hay A Bờ Cờ? Sự phong phú trong ngôn ngữ của Việt Nam xưa và nay”

  1. Cũng vì đánh vần theo kiểu bình dân học vụ này cho nên việc viết sai chính tả mới trầm trọng cho như bây giờ , vì NG cũng đọc Ngờ và NGH cũng đọc Ngờ nên rất rất nhiều thế hệ hs sau này viết Nghe thành Nge và tương tự còn nhiều từ nữa như C và K đều đọc Cờ , hay P và B , P và PH , G và GH , Q và Qu . Giờ xh đã phát triển GD nên bỏ cách dạy đọc bình dân học vụ để thế hệ sau này viết ít sai chính tả .

    Trả lời

Viết một bình luận