4 gương mặt nam sáng giá nhất làng điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975

Nền điện ảnh Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung trước năm 1975 mang trong mình sự tự do và cởi mở rất nhiều. Nó phát triển một cách rực rỡ với nhiều thể loại cùng đề tài khác nhau, phù hợp với thị hiếu công chúng như hành động, tình cảm, tâm lý xã hội,….Cũng chính sự phát triển đó mà nhiều tài tử điện ảnh nổi tiếng xuất hiện và nhận được sự yêu thích từ công chúng. Trong đó, không thể không nhắc đến 4 gương mặt sáng giá nhất của nền điện ảnh miền Nam trước năm 1975 được khán giả mến mộ.

TRẦN QUANG

Trần Quang là một tên tuổi lớn của nền điện ảnh miền Nam từ trước năm 1975, ông được xem là “Clark Gable” của Việt Nam. Xuất thân ban đầu là một diễn viên kịch nói và còn là thủ khoa của trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khóa 1 năm 1963. Nhưng sau đó, ông dần chuyển hướng khi thử sức với vai trò là diễn viên điện ảnh và trở thành cái tên được săn đón khi liên tục xuất hiện trong khoảng 20 cuốn phim cho đến tận năm 1975. 

Đầu thập niên 1970, với vóc dáng cao lớn phong trần và vẻ ngoài lãng tử cùng đôi mắt đa tình, Trần Quang đã làm nhiều thiếu nữ mê mệt như điếu đổ. Đặc biệt, ông còn tham gia vào những vai diễn giang hồ và nhận về “mưa lời khen”, điển hình như “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Long hổ sát đấu”, “Như hạt mưa sa”,….Có giai đoạn, Trần Quang sống như một ông hoàng khi mức tiền cát xê hơn 3 triệu đồng, lái những chiếc xe đắt tiền nhất và ở trong ngôi biệt thự sang trọng ở Sài Thành. 

Những năm cuối cùng của điện ảnh miền Nam, Trần Quang bắt đầu được giới điện ảnh châu Á chú ý và mời hợp tác một số bộ phim. Sau năm 1975, khán giả ở cả hai miền Nam – Bắc lại được nhìn thấy một Trần Quang tỏa sáng rực rỡ qua các bộ phim: “Tội lỗi cuối cùng”, “Con thú tật nguyền”, “Cầu Rạch Chiếc”,….

Thập niên 1980, khi đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện bộ phim “Ván bài lật ngửa” có ý mời Trần Quang thủ vai chính là điệp viên nhị trùng Nguyễn Thành Luân, nhưng có lẽ “nhân thân” không phù hợp nên vai chính thuộc về Nguyễn Chánh Tín. 

LÊ QUỲNH

Lê Quỳnh sinh ra tại Hà Nội và bắt đầu di cư vào Nam năm 1954. Ông hoạt động nghệ thuật điện ảnh từ trước năm 1954 trong nhóm làm phim của nghệ sĩ Vĩnh Lộc tại Phan Thiết. 

Năm 1958, Lê Quỳnh nhận lời mời của đạo diễn Lê Dân trong vai chính của bộ phim “Hồi chuông Thiên Mụ” do hãng phim Tân Việt thực hiện và cũng thời điểm đó, bộ phim đã trình làng một trong những gương mặt nữ diễn viên khả ái của nền điện ảnh miền Nam – Kiều Chinh. 

Sau đó, Lê Quỳnh còn đảm nhận vai chính của rất nhiều bộ phim khác và đều mang lại tiếng vang lớn, đặc biệt là bộ “Bẫy ngầm” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, trong bộ phim này, Lê Quỳnh đã đoạt được giải thưởng nam diễn viên hay nhất của năm. 

Không chỉ là một trong những diễn viên nam kỳ cựu và thành danh tại miền Nam Việt Nam, Lê Quỳnh còn nhiều lần đại diện Việt Nam tham dự những Đại hội Điện Ảnh Quốc tế. Năm 1966, ông đại diện Việt Nam tham dự Đại hội Điện Ảnh Á Châu tại Seoul – Hàn Quốc và đạt được hai giải thưởng lớn. Đến năm 1967, Lê Quỳnh lại tiếp tục tham gia Đại hội Điện ảnh Quốc tế tại Berlin – Đức và được mời làm hội viên danh dự của nghiệp đoàn diễn viên quốc tế.

Ngoài là một diễn viên thành công, ông còn thử sức với công tác đạo diễn và ông từng là đạo diễn của bộ phim “Giã từ bóng tối” được thực hiện từ năm 1969. Sau khi quyết định sang Hoa Kỳ định cư năm 1975, Lê Quỳnh vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa – nghệ thuật như đóng phim.

LA THOẠI TÂN

La Thoại Tân sinh ra tại Sài Gòn với nguyên danh là Phạm Văn Tần – ông là một nghệ sĩ đa tài, ngoài đóng phim, đóng kịch, ca hát thì ông còn hoạt động trong lĩnh vực báo chí. làm MC, đạo diễn phim,…

Với vẻ ngoài đẹp trai, thân hình cân đối cùng với lối diễn xuất vô cùng duyên dáng, bước vào làng nghệ, La Thoại Tân nhanh chóng nổi danh là “kép đẹp” của làng điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Nét điển trai của ông làm điên đảo không biết bao nhiêu cô gái thời bấy giờ và đặc biệt, La Thoại Tân rất có duyên đóng cặp với nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Ngoài ra, ông còn được các ông bầu gánh hay chương trình Tiếu Vương cùng với các đài phát thanh thời đó mời hợp tác, đặc biệt trong ban kịch Túy Hồng. 

Trước khi bước chân sang điện ảnh, La Thoại Tân đã là cái tên nổi tiếng trong các chương trình kịch của Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng,…La Thoại Tân còn là một cây hài kịch ăn khách, là tên bảo chứng cho phòng vé, ký ức khán giả vẫn còn nhớ về La Thoại Tân là chương trình “45 phút chuyện vui”. Năm 1974, La Thoại Tân từng kết hợp với nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga diễn hài rất duyên dáng trong các chương trình đại nhạc hội Trường Xuân và Duy Ngọc. La Thoại Tân còn nổi danh trong các ca khúc vui nhộn và hài hước chuyên châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội như: “Tâm sự kẻ kẹt tiền”, “Những kẻ độc thân”, “Nói xấu vợ”,….

La Thoại Tân cùng Túy Hồng trong một phân cảnh phim “Nhà tôi”

Lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, La Thoại Tân gây thương nhớ khi đảm nhận vai chính trong những bộ phim ăn khách thời đó: “Trương Chi Mỵ Nương” (1956), “Tơ Tình” (1963), “Gánh hàng hoa” (1971), “Tứ quái Sài Gòn” (1973),….

Sau sự kiện 30/4/1975, La Thoại Tân lựa chọn sang nước ngoài định cư, ông vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật văn nghệ trong cộng đồng người Việt Nam, trong đó có Trung tâm Thúy Nga đôi khi làm với vai trò là MC, cho đến khi nghỉ hưu. 

HÙNG CƯỜNG

Hùng Cường tên thật là Trần Kim Cường – là một nghệ sĩ cải lương, ca sĩ, kịch sĩ và diễn viên nổi tiếng một thời của nền điện ảnh Việt Nam. Hùng Cường nổi tiếng từ những năm thập niên 1950 tại Sài Gòn với những ca khúc tiền chiến và sau này là dòng nhạc vàng. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều nhạc khúc nổi tiếng được công chúng biết đến. Trong lĩnh vực sân khấu cải lương, ông kết hợp với nghệ sĩ Bạch Tuyết tạo nên nhiều tác phẩm kinh điển. Và trong lĩnh vực âm nhạc, ông cùng Mai Lệ Huyền tạo thành cặp “sóng thần” của nền tân nhạc khi ấy với thể loại “Kích động nhạc”. 

Khởi điểm ban đầu của Hùng Cường là ca sĩ hát tân nhạc, những đến năm 1959, ông bất ngờ chuyển hướng sang sân khấu cải lương trong vai chính và gặt hái được thành công vang dội. Đây được cho là một điều phi thường, bởi một người muốn theo đoàn cải lương phải mất ít nhất 2 – 3 năm trong vai phụ, rồi mất nhiều thời gian mới được đóng chính nếu thật sự có thực tài. Nhưng ông dành không nhiều thời gian, bởi nền móng nhạc lý vững chắc cộng với sự dày công toi luyện nên Hùng Cường đã mạnh dạn bước chân lên sân khấu cải lương và khẳng định tên tuổi của mình. Cũng từ đó mà bầu trời cải lương dưới thời VNCH xuất hiện một vì sao chói lọi, ông giúp cho tiếng tăm cùng doanh thu của đoàn Ngọc Kiều cải thiện đáng kể. 

Sau ca hát, cải lương, Hùng Cường tiếp tục lấn sân sang điện ảnh, hàng loạt bộ phim do Hùng Cường thủ vai chính được người xem chú ý đến, ví như bộ “Chân trời tím”, “Mãnh lực đồng tiền”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”,…Lúc mới bước chân sang lĩnh vực điện ảnh, Hùng Cường đã bị châm chích rất nhiều, thậm chí là bị buông lời ác ý, chê bai lối diễn “cải lương”. Nhiều nữ nghệ sĩ được mời đóng cặp với Hùng Cường, hầu hết đều ngỏ ý từ chối. Thế nhưng, sau sự thành công của bộ phim “Chân trời tím”, nhiều hãng phim đã lên tiếng mời Hùng Cường cộng tác và phải công nhận một điều là “hễ phim nào có tên ông đều vô cùng ăn khách”. Và hãng phim Kim Thân đã ra mức thù lao khá cao để mời Hùng Cường cùng với Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh lực đồng tiền” và thu về thành công vang dội.

Theo chân Hùng Cường, nhiều đào kép cải lương khác ở Sài Thành cũng tham gia đóng phim và nổi lên “như diều gặp gió”, điển hình là Thanh Nga và Mộng Tuyền. Lúc đầu, các nữ tài tử điện ảnh rất ngại khi phải đóng cặp với kép cải lương, theo báo chí thời đó, công ty phim truyện Liên Ảnh trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường, nhưng Thẩm Thúy Hằng từ chối, có lẽ do “định kiến” ấy.

Chưa dừng lại tại đó, bộ phim “Chân trời tím” hân hạnh là bộ phim tiếng Việt đầu tiên có phụ đề tiếng Pháp và được gửi đi trình chiếu tại Đại hội Điện Ảnh được tổ chức ở Anh. Sau sự thành công đó, Hùng Cường trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất và trở thành tài tử “gạo cội” của nền điện ảnh Việt Nam. Các nữ tài tử điện ảnh trước đó còn e ngại thì về sau đã mạnh dạn hơn khi đóng phim cùng Hùng Cường, trong đó có tài nữ Kiều Chinh. 

Hùng Cường được cho là một trường hợp đặc biệt, bởi ông không chỉ là một trong tứ trụ nhạc vàng nổi tiếng, mà còn là 1 trong 4 gương mặt nam tiêu biểu cho nền điện ảnh Việt Nam.

Viết một bình luận